[ad_1]
1. STEM là gì?
Theo Công văn 3089/BGDĐT-GDTrH:
Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng của chúng trong thực tiễn.
STEM là phương pháp giáo dục nâng cao rèn luyện kỹ năng liên quan đến 4 yếu tố: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học.
Phương pháp giáo dục STEM định hướng cho học sinh ứng dụng vào thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sự linh hoạt của STEM sẽ giúp học sinh học cách phân tích, tư duy, sáng tạo và có kiến thức xử lý tình huống một cách nhanh chóng.
STEM xuất hiện vào những năm 1998 từ Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF) và chính thức áp dụng trong ngành giáo dục những năm sau đó. Từ đó các nước phát triển Anh, Mỹ, Úc và các nước Trung Đông,… bắt đầu áp dụng phương pháp này vào giáo dục. Cho tới năm 2012, Việt Nam mới bắt đầu đưa STEM vào chương trình dạy học.
Phương pháp giáo dục STEM sẽ truyền tải góc nhìn thực tiễn thông qua bài giảng. Từ đây, học sinh sẽ bắt đầu phát sinh những câu hỏi, khơi dậy sự tìm tòi học hỏi của trẻ, kích thích trẻ tìm ra phương án, giải quyết vấn đề bằng những kiến thức đã được STEM truyền tải trước đó.
Thay vì phải học nhiều môn khác nhau và chỉ học lý thuyết suông thì STEM là một phương pháp tích hợp, học sinh sẽ được thực hành nhiều hơn và từ đó đưa ra kết luận, sẽ giúp trẻ nhớ lâu hơn và tăng khả năng tỉ mỉ quan sát xung quanh của trẻ hơn.
2. Nội dung STEM trong hoạt động giáo dục trung học
2.1. Nguyên tắc xây dựng nội dung bài STEM
Theo tiểu mục 1 Mục III Công văn 3089/BGDĐT-GDTrH năm 2020 hướng dẫn nội dung giáo dục STEM trong giáo dục trung học như sau:
-
Nội dung bài học STEM nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, gắn kết các vấn đề của thực tiễn xã hội
-
Nội dung bài học STEM được gắn kết với các vấn đề thực tiễn đời sống xã hội, khoa học, công nghệ và học sinh được yêu cầu tìm các giải pháp để giải quyết vấn đề, chiếm lĩnh kiến thức, đáp ứng yêu cầu cần đạt của bài học.
-
Nội dung kiến thức của các bài học thuộc một môn học hoặc một số môn học trong chương trình; bảo đảm giải quyết được vấn đề đặt ra một cách tương đối trọn vẹn.
2.2. 5 hoạt động chính trong cấu trúc bài học của STEM:
-
Hành động 1: Đưa ra nội dung và các tiêu chí cụ thể của bài học. Sau đó xác định vấn đề và chế tạo sản phẩm.
-
Hành động 2: Nghiên cứu sản phẩm cùng với kiến thức nền. Dựa trên các tiêu chí đã nêu trên để đưa ra các bản thiết kế giải pháp.
-
Hành động 3: Thương thảo và trình bày bản thiết kế sau đó chứng minh và chọn phương án tốt nhất.
-
Hành động 4: Thử nghiệm và đánh giá trong quá trình chế tạo sản phẩm theo bản thiết kế đã chọn trước đó.
-
Hành động 5: Thảo luận và điều chỉnh sản phẩm đã chế tạo cho tới khi hoàn thiện bản thiết kế.
Đối với trung học, phương pháp STEM sẽ dựa trên những kiến thức mà học sinh đã học trên lớp để sáng tạo ra thành phẩm. Học sinh trung học đã được học thêm môn vật lý, hóa học, sinh học nên sẽ áp dụng những kiến thức đó để sáng tạo ra những thành phẩm thông qua phương pháp STEM.
Trong giờ học STEM, thông qua mô hình, học sinh áp dụng được các kiến thức Vật Lý, Công Nghệ, Toán học, Sinh học, Kỹ thuật.
Bên cạnh việc lên lớp, thành lập một câu lạc bộ STEM, những hoạt động ở địa phương hoặc phụ huynh tạo hoạt động STEM để tạo điều kiện cho các học sinh có môi trường trải nghiệm thực tế..
3. STEM được tổ chức dưới hình thức nào?
Giáo dục STEM đề cao sự linh hoạt từ những hoạt động trong trường như trên lớp học hoặc câu lạc bộ ở trường, những hoạt động ngoài trường như hoạt động được tổ chức từ ba mẹ đồng hành cùng con, những chương trình từ tổ dân phố hoặc địa phương. Hình thức tổ chức STEM có thể cụ thể hơn như:
3.1. Thông qua bài học của môn khoa học
Các bài học STEM được giáo viên thiết kế đưa ra những góc nhìn thực tiễn nhất trong quá trình dạy học. Nội dung bám sát theo giáo trình giảng dạy của giáo viên. Trong quá trình đó, giáo viên sẽ là người đồng hành và hướng dẫn các em làm thế nào để vận dụng các môn đã học ở trên lớp như toán, lý, hóa, sinh, công nghệ vào trong thực hành (chế tạo sản phẩm).
3.2. Thông qua hoạt động trải nghiệm
Nhà trường có thể mở các câu lạc bộ về STEM, tổ chức những hoạt động nhỏ nhằm giúp các bạn được trải nghiệm thực tế nhiều hơn với phương pháp này. Có thể trưng bày những sản phẩm của các bạn ở thư viện hay là lớp học, giúp các bạn thích thú hơn trong việc tìm tòi cái mới, tăng khả năng sáng tạo.
Mỗi buổi học về STEM cần được thiết kế kỹ càng, không những thúc đẩy khả năng tư duy, sáng tạo của các bạn, mà cần rút ra những bài học giá trị từ sản phẩm do chính các bạn làm ra.
3.3 Thông qua những cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật
Hoạt động này nhằm tăng khả năng nhìn nhận vấn đề một cách nhanh chóng, kích thích năng lực của học sinh. Đồng thời, học sinh có những sân chơi bằng những dự án nghiên cứu khoa học.
Qua bài viết này, hy vọng bạn đã hiểu được cơ bản về phương pháp giáo dục STEM là gì. Phương pháp STEM không những giúp các bạn học sinh tìm được năng khiếu hoặc là gợi lên hứng thú học tập của các bạn mà còn giúp các bạn trung học phổ thông định hướng ngành nghề mà mình muốn học trong tương lai.
Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp.