Hướng dẫn cách tính thang điểm 4 cho sinh viên chính xác nhất

[ad_1]

Việc tính điểm trung bình chung học tập hay cách quy đổi sang thang điểm 4 ở cấp đại học chắc hẳn sẽ khiến rất nhiều bạn tân sinh viên gặp phải khó khăn. Nếu bạn còn băn khoăn, thắc mắc hay chưa biết cách tính toán như thế nào, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây.

1. Thang điểm 4 là gì?

Thang điểm 4 là thang điểm chính thức, được quy đổi từ thang điểm 10 sang thang điểm chữ rồi từ thang điểm chữ sang thang điểm 4, dùng cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học áp dụng phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

Thang điểm hệ 4 ở đại học
Thang điểm hệ 4 ở đại học (Ảnh minh hoạ)

Nhà trường sẽ tính toán điểm trung bình các môn của sinh viên. Thông qua việc quy đổi giữa thang điểm 4, thang điểm 10 và thang điểm chữ, các trường đại học sẽ có đánh giá khách quan để xếp loại học tập của các em.

2. Tại sao lại áp dụng thang điểm 4 ở đại học?

Tính điểm theo thang điểm 4 được xem là cách tính điểm tối ưu và khoa học hiện nay. Dựa vào số tín chỉ hay còn được hiểu là đại lượng đo lường kỹ năng, kiến thức mà sinh viên cần phải tích lũy trong quá trình học tập, chúng ta sẽ tính được điểm tích lũy hệ 4.

Điểm này sẽ là căn cứ để xem sinh viên có đủ điều kiện qua môn hay không, cũng như quyết định bằng cấp của các em khi ra trường. Do đó, việc áp dụng điểm trên thang điểm 4 là rất quan trọng đối với sinh viên, cụ thể:

Mỗi trường đại học khác nhau sẽ có cách đánh giá mức độ điểm học phần của sinh viên là khác nhau. Với sinh viên được đào tạo theo tín chỉ điểm hệ 4, điểm đánh giá này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: điểm chuyên cần, điểm thực hành, điểm bài tập, điểm thuyết trình, điểm thi, …

Nói cách khác, điểm thi kết thúc học phần chỉ chiếm tỷ trọng 50% trong quá trình học tập và xếp loại của sinh viên. Do đó, sinh viên phải học tập nghiêm túc trong cả quá trình, tích cực rèn luyện qua các bài thực hành chứ không thể phụ thuộc vào kết quả bài thi kết thúc môn học.

Điểm thi kết thúc học phần chỉ chiếm 50% điểm học phần
Điểm thi kết thúc học phần chỉ chiếm 50% điểm học phần (Ảnh minh hoạ)

Ví dụ: Sinh viên có điểm đánh giá quá trình học tập của môn A là 7,0 và điểm thi kết thúc học phần môn A đó đạt 8,5. Khi đó điểm học phần sẽ được thực hiện như sau:

Điểm học phần môn A = 50% * 7,0 + 50% * 8,5 = 7,75 làm tròn thành 7,8.

Việc phân loại kết quả học tập từ thang điểm 10 sang thang điểm chữ (A, B, C, D, F) giúp đánh giá điểm thế nào là đạt và không đạt. Thang điểm chữ này được hiểu ngầm là thang điểm trung gian giữa thang điểm 10 và thang điểm 4.

Tiếp đến là việc chuyển đổi thang điểm chữ sang thang điểm 4. Cụ thể, nếu như trong thang điểm hệ 10, điểm F có giá trị từ 0 đến 3,9 thì sang hệ 4 thì chỉ có giá trị 0. Tuy nhiên giá trị 0 này vẫn sẽ tham gia vào việc tính điểm trung bình chung học kỳ.

Nếu ở thang điểm 10, sinh viên chỉ cần đạt điểm học phần là 8,5 thì sang thang điểm 4 sinh viên đã được xếp loại A, tức là điểm cao nhất của điểm hệ 4.

Đối với học niên chế, nếu sinh viên chỉ đạt điểm học phần từ 4,0 – 4,9 (thang điểm 10), thì sang thang điểm 4 tương ứng sẽ được xếp loại D là điểm đạt. Như vậy, sinh viên không cần phải học lại học phần này.

3. Cách tính thang điểm 4 ở bậc đại học

3.1 Hướng dẫn cách tính điểm trung bình chung tích lũy thang điểm 4

Điểm hệ số 4 theo tín chỉ được tính theo công thức: tính tổng điểm của từng môn nhân với số tín chỉ tương ứng của môn học rồi chia cho tổng số tín chỉ của các môn học có trong học phần đó.

Công thức tính điểm trung bình chung tích lũy hệ 4
Công thức tính điểm trung bình chung tích lũy hệ 4 (Ảnh minh hoạ)

Trong đó:

A: là điểm trung bình chung tích lũy hệ 4

i: là số thứ tự môn học trong chương trình học

ai: là điểm trung bình của môn thứ i

n: là tổng số các môn học trong chương trình học hay còn gọi là tổng số các học phần

ni: là số tín chỉ của môn học thứ i tương ứng

3.2 Cách quy đổi thang điểm 10 sang thang điểm 4

Cách tính thang điểm hệ 4 ở đại học cho sinh viên
Cách tính thang điểm hệ 4 ở đại học cho sinh viên (Ảnh minh hoạ)

Để đổi điểm từ hệ 10 sang hệ 4, trước hết chúng ta phải quy đổi thang điểm 10 sang thang điểm chữ, cụ thể theo bảng sau:

Thang điểm 10

Thang điểm chữ

8,5 – 10,0

A

7,0 – 8,4

B

5,5 – 6,9

C

4,0 –  5,4

D

Dưới 4,0

F

Những điểm chữ không thuộc một trong các trường hợp trên sẽ không được tính vào các điểm trung bình chung tích lũy.

Sau đó, chúng ta tiến hành quy đổi thang điểm chữ sang thang điểm 4 theo mục dưới đây.

3.3 Cách quy đổi thang điểm hệ chữ sang thang điểm 4

Căn cứ theo khoản 2 Điều 10 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT, điểm hệ số 4 sẽ được quy đổi như sau:

2. Để tính điểm trung bình, điểm chữ của học phần được quy đổi về điểm số như dưới đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này. Điểm chữ nhiều mức hơn do cơ sở đào tạo quy định (nếu có) cũng được quy đổi sang điểm số tương ứng theo thang từ 0 tới 4.

A quy đổi thành 4;

B quy đổi thành 3;

C quy đổi thành 2;

D quy đổi thành 1;

F quy đổi thành 0.

4. Cách phân loại học lực của sinh viên theo thang điểm 4

Thang điểm đại học là cơ sở quan trọng để xếp loại tốt nghiệp cho sinh viên dựa trên việc tính điểm trung bình theo thang điểm 4 hay thang điểm hệ chữ. Đây chính là số điểm tích lũy của tổng số tín chỉ trong suốt khoảng thời gian học tập và đào tạo của sinh viên tại nhà trường.

Xếp loại học lực của sinh viên dựa trên thang điểm hệ 4
Xếp loại học lực của sinh viên dựa trên thang điểm hệ 4 (Ảnh minh hoạ)

Căn cứ theo khoản 5 Điều 10 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT đã đưa ra quy định về việc xếp loại học lực của sinh viên theo điểm trung bình chung tích lũy cụ thể như sau:

5. Sinh viên được xếp loại học lực theo điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy như sau:

a, Theo thang điểm 4:

Từ 3,6 đến 4,0: Xuất sắc;

Từ 3,2 đến cận 3,6: Giỏi;

Từ 2,5 đến cận 3,2: Khá;

Từ 2,0 đến cận 2,5: Trung bình;

Từ 1,0 đến cận 2,0: Yếu;

Dưới 1,0: Kém.

b, Theo thang điểm 10:

Từ 9,0 đến 10,0: Xuất sắc;

Từ 8,0 đến cận 9,0: Giỏi;

Từ 7,0 đến cận 8,0: Khá;

Từ 5,0 đến cận 7,0: Trung bình;

Từ 4,0 đến cận 5,0: Yếu;

Dưới 4,0: Kém.

Tuy nhiên, trong thời gian học tập tại trường, nếu rơi vào các trường hợp sau đây thì xếp loại tốt nghiệp của sinh viên thuộc loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm xuống một mức:

  • Sinh viên có khối lượng học phần phải học lại vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ đã được quy định cho chương trình đào tạo của ngành học.

  • Trong thời gian học tập, sinh viên đã bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên.

Vì thế, nếu bạn xác định mục tiêu phải đạt được của mình trong quá trình học tập là đạt loại xuất sắc hoặc giỏi bạn cần hết sức lưu ý vấn đề này để đạt kết quả mong muốn.

Dưới đây là bảng quy đổi cụ thể, chi tiết nhất giữa thang điểm 4, thang điểm 10, thang điểm chữ, cũng như là việc xếp loại học lực của sinh viên theo các thang điểm trên để bạn dễ dàng tham khảo:

Xếp loại sinh viên

Thang điểm 10

Thang điểm 4

Thang điểm chữ

Đạt

Xuất sắc

9,0 – 10,0

3,6 – 4,0

A+

Giỏi

8,5 – 8,9

3,2 – 3,59

A

Khá

7,0 – 8,4

2,5 – 3,19

B

Trung bình

5,5 – 6,9

2,0 – 2,49

C

Yếu

4,0 – 5,4

1,0 – 1,99

D

Không đạt

Kém

Dưới 4

Dưới 1

F

Hy vọng bài viết trên đây của chúng tôi đã giúp bạn hiểu được rõ hơn về cách quy đổi sang thang điểm 4 từ thang điểm 10 và thang điểm chữ ở bậc đại học. Các bạn hãy thử áp dụng để nắm được điểm số của mình, từ đó đề ra kế hoạch học tập phù hợp với bản thân mình nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *