[ad_1]
1. Môi trường là gì?
Hiện nay có rất nhiều văn bản quốc tế đưa ra định nghĩa về môi trường, song, có thể hiểu môi trường là toàn bộ các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo bao quanh con người.
– Theo chương trình phát triển UNEP của Liên Hợp Quốc khi xem xét các thảm hoạ thiên nhiên và các xung đột đưa ra định nghĩa:
“Môi trường là tổng hoà tất cả các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến cuộc sống, phát triển và tồn tại của một tổ chức sinh vật. Môi trường liên quan tới các điều kiện vật lý ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên (khí hậu, địa chất, hiểm hoạ) và các dịch vụ hệ sinh thái chứa đựng chúng (như carbon, các vòng dinh dưỡng và thuỷ học)”.
– Từ điển Oxford về sinh thái năm 2005 định nghĩa:
“Môi trường là tổng hợp đủ các điều kiện bên ngoài, vật chất và sinh học, trong đó tổ chức sinh vật sinh sống. Môi trường bao gồm các đánh giá xã hội, văn hoá, kinh tế và chính trị cũng như các đối tượng thường được hiểu như đất, khí hậu và cung cấp thức ăn”.
– Theo Tuyên bố Stockholm 1972:
“Môi trường tự nhiên và nhân tạo chủ yếu cho sự phồn vinh của con người và tận hưởng những quyền con người cơ bản và quyền được sống của họ”…
Ở Việt Nam, tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 định nghĩa về môi trường như sau:
1. Môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.
Như vậy, theo định nghĩa tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, có thể hiểu môi trường là toàn bộ các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo bao quanh con người. Theo đó, các yếu tố này có ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế, xã hội cũng sự tự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên.
2. Phân loại môi trường thế nào?
Sau khi tìm hiểu môi trường là gì, để hiểu rõ về môi trường cần tìm hiểu về các loại môi trường hay nói cách khác là phân loại môi trường. Theo đó, môi trường được phân loại dựa trên các tiêu chí dưới đây:
2.1 Phân loại theo các tác nhân
Theo tiêu chí này, có thể phân loại môi trường thành môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo. Trong đó:
– Môi trường tự nhiên (do thiên nhiên tạo ra): Hồ, sông, biển. rừng….
– Môi trường nhân tạo (do con người tạo ra): Công viên, hồ nước nhân tạo,…
2.2 Phân loại theo sự sống
Dựa theo tiêu chí sự sống, môi trường được phân thành các loại sau:
– Môi trường vật lý: Là thành phần vô sinh của môi trường tự nhiên, gồm có thạch quyển, thủy quyển, khí quyển. Nói cách khác, môi trường vật lý là môi trường không có sự sống.
– Môi trường sinh học: Là thành phần hữu sinh của môi trường, hay nói cách khác là môi trường mà ở đó có diễn ra sự sống.
Môi trường sinh học bao gồm các hệ sinh thái, các quần thể thực vật, động vật, vi sinh vật và cả con người, tồn tại và phát triển trên cơ sở, đặc điểm của các thành phần môi trường vật lý. Các thành phần của môi trường không tồn tại ở trạng thái tĩnh mà luôn luôn trong quá trình chuyển hóa tự nhiên, đưa đến trạng thái cân bằng động.
Khái niệm môi trường sinh học đã đưa đến thuật ngữ môi trường sinh thái (môi trường có sự sống của con người và sinh vật) để phân biệt với những môi trường không có sinh vật. Tuy nhiên, hầu hết các môi trường đều có sinh vật tham gia. Vì vậy, nói đến môi trường là đề cặp đến môi trường sinh thái
2.3 Phân loại theo sinh học
Dựa theo tiêu chí về đặc điểm sinh học, môi trường được phân thành các loại sau:
– Hệ vô sinh (Physical environment): Hệ này bao gồm: đất, nước, không khí cùng với quá trình lý hóa học xảy ra trong đó.
– Hệ hữu sinh hay đa dạng sinh học (biodiversity): Gồm các giới sinh vật với sự đa dạng và phong phú về nguồn gen, chủng loại từ sinh vật bậc thấp đến sinh vật bậc cao, được phân bố khắp nơi trên trái đất.
– Hệ loài người (human system): Hệ này đề cập đến tất cả hoạt động sản xuất nông, công nghiệp, vui chơi giải trí, kinh tế, xã hội của con người.
Với cách phân loại này, có thể thấy sinh thái môi trường xét các mặt cấu trúc của nó về:
– Sự liên hệ một chiều giữa các yếu tố vô sinh (môi trường vật lý) và yếu tố sinh học (đa dạng sinh học), tức là sự tác động của các yếu tố sinh vật đến tính chất lý hóa của đất, nước, không khí và ngược lại.
– Sự liên hệ hai chiều giữa môi trường vật lý và con người với các hoạt động kinh tế xã hội của loài người. Tức nghiên cứu mối quan hệ tương tác sức mạnh trí tuệ của con người làm biến đổi đất, nước, không khí và ngược lại, ảnh hưởng của các điều kiện vật lý đến sự phát triển kinh tế xã hội, văn hóa của loài người.
– Sự liên quan giữa đa dạng sinh học với con người và xã hội loài người trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau. Cụ thể, xét xem con người đã có tác động thế nào đến đa dạng sinh học. Ngược lại, đa dạng sinh học đã tác động đến xã hội loài người ra sao về các mặt: nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp…
2.4 Phân loại theo môi trường thành phần (môi trường tài nguyên)
Mỗi một loại môi trường điều có đặc điểm cấu trúc, thành phần riêng. Trong hàng loạt thành phần môi trường có một số thành phần đủ điều kiện để được xem như là một môi trường hoàn chỉnh, do đó những thành phần này được gọi là “Môi trường thành phần”. Các môi trường thành phần hiện nay gồm:
– Môi trường đất: Gồm các vật chất vô cơ, hữu cơ cũng như các quá trình phát sinh, phát triển của đất ở một khu vực nào đó. Mặc dù là một thành phần sinh thái chung nhưng đất cũng có đầy đủ thành phần và tư cách là một môi trường sống nên được gọi là “môi trường thành phần đất”.
– Môi trường nước nước: Từ môi trường vi mô như một giọt nước cho đến phạm vi vĩ mô như: ao, hồ, sông, đại dương… Trong đó có đầy đủ thành phần loài động vật thủy sinh, vật chất vô cơ, hữu cơ,…
– Môi trường không khí: Bao gồm các tầng khí quyển, các dạng vật chất, các hạt vô cơ, hữu cơ, nham thạch, vi sinh vật, …
Ngoài ra, còn có thể phân loại môi trường theo các tiêu chí khác nhau:
– Môi trường theo quyển: Thạch quyển, khí quyển, thủy quyển…
– Phân loại môi trường theo kích thước không gian: Môi trường vi mô, môi trường vĩ mô, môi trường trung gian…
– Phân loại môi trường theo lưu vực và mục đích nghiên cứu….
>> Gọi ngay tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để được hỗ trợ, tư vấn về các vấn đề liên quan.
3. Các chức năng cơ bản của môi trường
Vừa rồi LuatVietnam đã làm rõ về vấn đề môi trường là gì. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó sẽ không thể hiểu những giá trị mà môi trườn đem lại đối với sự sống và sự phát triển của loài người cũng như sinh vật khác.
Vì vậy, ở phần này, LuatVietnam tiếp tục làm rõ về các chức năng của môi trường.
3.1 Là nguồn cung ứng tài nguyên quan trọng
Trong suốt lịch sử phát triển loài người, nhu cầu về các nguồn tài nguyên không ngừng tăng lên về cả số lượng, chất lượng và mức độ phức tạp theo trình độ phát triển của xã hội.
Khi đó, môi trường có chức năng quan trọng trong việc cung ứng các nguồn tài nguyên. Chức năng này của môi trường còn gọi là nhóm chức năng sản xuất tự nhiên, gồm:
– Rừng tự nhiên: Có chức năng cung cấp nước, bảo tồn tính đa dạng sinh học và độ phì nhiêu của đất, nguồn gỗ củi, dược liệu và cải thiện điều kiện sinh thái.
– Các thuỷ vực: có chức năng cung cấp nước, dinh dưỡng, nơi vui chơi giải trí và các nguồn thuỷ hải sản.
– Động – thực vật: Cung cấp lương thực, thực phẩm và các nguồn gen quý hiếm.
– Không khí, nhiệt độ, năng lượng mặt trời, nước, gió: Có chức năng duy trì các hoạt động trao đổi chất.
– Các loại quặng, dầu mỏ: Cung cấp năng lượng và nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất…
3.2 Là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra
Trong quá trình sinh hoạt, sản xuất của con người sẽ đào thải ra các chất thải vào môi trường. Dưới tác động của vi sinh vật và các yếu tố môi trường khác, các chất thải này sẽ bị phân huỷ, biến đổi từ phức tạp thành đơn giản và tham gia vào hàng loạt các quá trình sinh địa hoá.
Khả năng tiếp nhận và phân huỷ chất thải trong một khu vực nhất định gọi là khả năng đệm của khu vực đó. Khi lượng chất thải lớn hơn khả năng đệm hoặc thành phần chất thải có nhiều chất độc, vi sinh vật gặp nhiều khó khăn trong quá trình phân huỷ thì chất lượng môi trường sẽ giảm và môi trường có thể bị ô nhiễm. Chức năng này có thể phân loại chi tiết như sau:
– Chức năng biến đổi lý – hoá học (phân huỷ hoá học nhờ ánh sáng, hấp thụ, tách chiết các vật thải và độc tố);
– Chức năng biến đổi sinh hoá (sự hấp thụ các chất dư thừa, chu trình ni tơ và cacbon, khử các chất độc bằng con đường sinh hoá);
– Chức năng biến đổi sinh học (khoáng hoá các chất thải hữu cơ, mùn hoá, amôn hoá, nitrat hoá và phản nitrat hoá).
3.3 Có chức năng lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người
Môi trường trái đất được xem là nơi lưu trữ và cung cấp thông tin cho con người. Bởi môi trường là nơi cung cấp sự ghi chép và lưu trữ lịch sử trái đất, lịch sử tiến hoá của vật chất và sinh vật, lịch sử xuất hiện và phát triển văn hoá của loài người.
Đồng thời, môi trường còn cung cấp các chỉ thị không gian và tín hiệu và báo đưa ra các tín hiệu cũng như báo động sớm các hiểm hoạ đối với con người và sinh vật sống trên trái đất như: Phản ứng sinh lý của cơ thể sống trước khi xảy ra các tai biến tự nhiên và các hiện tượng tai biến tự nhiên (bão, động đất, núi lửa…).
Ngoài ra, môi trường còn cung cấp và lưu giữ cho con người các nguồn gen, các loài động vật, thực vật, các hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo, các vẻ đẹp, cảnh quan có giá trị thẩm mỹ để thưởng ngoạn, tôn giáo và văn hoá khác.
4. Tại sao phải bảo vệ môi trường? Trách nhiệm bảo vệ môi trường
Việc nhận thức rõ môi trường là gì và chức năng của môi trường đã phần nào trả lời được cho câu hỏi “Vậy, tại sao phải bảo vệ môi trường?”.
Theo đó, môi trường tự nhiên là nguồn khai thác tài nguyên và năng lượng quý giá để phục vụ cho các hoạt động sản xuất và trong cuộc sống như: đất, nước, không khí, khoáng sản và các dạng năng lượng ánh sáng, gió,…cũng như các sản phẩm công, nông, lâm, ngư nghiệp và văn hoá, du lịch.
Có thể thấy, sự nóng lên của Trái Đất có tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của con người. Cụ thể, nhiệt độ tăng cao sẽ làm băng tan và mực nước biển cũng tăng theo; hàng năm các cơn bão sẽ gia tăng, làm suy giảm tầng ozon… Bên cạnh đó, một số loài động vật không kịp thích ứng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết có thể sẽ bị tuyệt chủng.
Ngoài ra, khi môi trường bị ô nhiễm, cuộc sống của con người cũng sẽ bị đe dọa và ảnh hưởng nặng nề. Con người có thể sẽ mắc các bệnh về phổi, tim mạch, gan, trẻ em sẽ bị giảm trí thông minh… Vì vậy, việc cấp thiết cần phải làm hiện nay đó là bảo vệ và cải thiện môi trường đang bị ô nhiễm.
Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của tất cả mọi người chứ không phải của riêng một cá nhân hay tập thể nào. Tuy nhiên phần lớn con người chưa có được ý thức được tại sao phải bảo vệ môi trường hay làm thế nào để góp phần bảo vệ môi trường. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho môi trường sống của con người và các loài động vật bị hủy hoại nặng nề.
5. Vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường
Đứng trước nguy cơ môi trường bị xâm hại nặng nề bởi con người, ở Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ những lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng và xã hội.
Cụ thể, vai trò của pháp luật trong bảo vệ môi trường như sau:
– Thứ nhất, Luật Bảo vệ môi trường là một lĩnh vực trong hệ thống pháp luật Việt Nam, từ đó những nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường sẽ được phổ biến một cách rộng rãi và có tính bắt buộc thực hiện.
Khi cần thiết, nhà nước có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế để bảo vệ cho pháp luật được thi hành, trừng phạt đảm bảo cho pháp luật bảo vệ môi trường cũng như các lĩnh vực pháp luật khác được thực hiện một cách nghiêm chỉnh.
– Thứ hai, pháp luật là cơ sở pháp lí cho việc quy định cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lí nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điều này đã được nêu rõ tại Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014:
“Nhà nước thống nhất quản lý bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước, lập quy hoạch bảo vệ môi trường, xây dựng tiềm lực cho hoạt động bảo vệ môi trường ở Trung ương và địa phương”.
– Thứ ba, pháp luật là cơ sở pháp lí cho hoạt động thanh tra kiểm tra, giám sát, xử lí vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc thanh tra giám sát được thực hiện thường xuyên, nhà nước định kì hàng năm hoặc kiểm tra đột xuất dựa vào các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành.
Việc xử lí vi phạm được áp dụng cho mọi cá nhân tổ chức trong và ngoài nước có những hành vi vô ý hay cố tình vi phạm các quy định nhà nước trong lĩnh vực môi trường.
– Thứ tư, pháp luật là cơ sở pháp lí cho công tác bảo vệ môi trường. Theo những quy định của pháp luật, công tác bảo vệ môi trường được các cá nhân, tổ chức thực hiện một cách khoa học, có hiệu quả, có tác động to lớn đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhờ có pháp luật, nhà nước mới kịp thời phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi sai lệch, gây tổn hại đến môi trường.
6. Quy định của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường
6.1 Chính sách của nhà nước về bảo vệ môi trường
Tại Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường như sau:
Điều 5. Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường
1. Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.
2. Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường.
3. Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.
4. Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.
5. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.
6. Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.
7. Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.
8. Tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
9. Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
10. Thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư.
11. Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế – xã hội.
Có thể thấy, các chính sách về bảo vệ môi trường bao gồm các chính sách về việc:
– Thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân;
– Xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, chú trọng tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường và các hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
– Chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường;
– Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; c
– Phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải;
– Hội nhập, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường và các chính sách về việc phát triển các dự án kinh tế – xã hội.
6.2 Các mức phạt liên quan đến vi phạm về bảo vệ môi trường
6.2.1 Xử phạt vi phạm hành chính
Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, mới nhất là Nghị định số 45/2022/NĐ-CP được ban hành ngày 07/7/2022. Theo đó, một số mức phạt với hành vi vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:
– Phạt tiền tối đa 01 tỷ đồng đối với cá nhân và 02 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Ngoài ra, các nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, bao gồm:
+ Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép môi trường, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;
+ Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật;
+ Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn đối với cơ sở hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công được nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Ngoài các hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định; buộc phá dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường…
– Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước, cụ thể:
+ Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường.
+ Phạt tiền từ 50 – 80 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 3 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc dưới 05 lần đối với thông số môi trường thông thường.
+ Phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 03 – dưới 05 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 05 -dưới 10 lần đối với thông số môi trường thông thường.
– Phạt tiền từ 500 – 01 triệu đồng với hành vi vứt bỏ rác thải không đúng nơi quy định. Trong đó, những vi phạm về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 100 – 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
+ Phạt tiền từ 150 – 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
+ Phạt tiền từ 500.000 – 01 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng….
6.2.2 Truy cứu trách nhiệm hình sự
Với mức độ vi phạm nặng hơn, hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ môi trường sẽ bị xử lý hình sự theo các tội phạm tương ứng. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 đã dành riêng Chương 19 để quy định về các Tội phạm môi trường gồm:
– Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235);
– Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236);
– Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237);
– Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238);
– Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239);
– Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 242);
– Tội huỷ hoại rừng (Điều 243);…
Trên đây là toàn bộ vấn đề liên quan đến câu hỏi “Môi trường là gì“? Nếu còn bất kỳ vấn đề nào còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng gọi 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.