[ad_1]
Con người vẫn tiến hành trao đổi, mua bán và sử dụng hàng hóa mỗi ngày để thỏa mãn nhu cầu nào đó của bản thân. Tuy nhiên, liệu chúng ta đã biết hàng hóa là gì và sản xuất hàng hóa tồn tại nhờ điều kiện nào hay chưa? Tất cả sẽ được giải đáp qua nội dung dưới đây.
1. Hàng hóa là gì?
Hàng hóa là sản phẩm thu được từ lao động và có thể thỏa mãn những nhu cầu của con người, có thể đi vào tiêu dùng qua quá trình trao đổi – mua bán.
Theo định nghĩa của Karl Marx thì hàng hóa trước hết là vật có hình dạng và có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người tùy vào tính chất của nó. Đồ vật muốn trở thành hàng hóa cần phải có những đặc điểm sau:
- Hữu dụng đối với người sử dụng
- Có giá trị kinh tế, tức là được chi phí bởi lao động.
- Có độ khan hiếm, sự hạn chế để sở hữu.
Cũng theo Karl Marx thì hàng hóa là sản phẩm làm ra từ lao động và thông qua quá trình mua bán, trao đổi để thỏa mãn nhu cầu nào đó của cá nhân của nhu cầu của sản xuất.
Hàng hóa tồn tại ở hai hình thái: Vật thể và phi vật thể. Ngoài ra, chúng còn được phân thành các loại như: Hàng giảm giá, hàng thông thường, hàng cao cấp và công cộng.
Tuy nhiên, cho dù là thuộc loại hình nào thì muốn trở thành hàng hóa, vật đó cần có đủ ba yếu tố sau:
- Vật đó là sản phẩm được làm ta từ lao động.
- Vật đó có khả năng làm thỏa mãn nhu cầu nhất định của người dùng.
- Vật đó có thể lưu thông qua trao đổi, mua bán.
Ngày nay, do sự phát triển và thay đổi về nhận thức khiến cho cách hiểu về hàng hóa khác đi. Định nghĩa về hàng hóa là gì tiến sát hơn phạm trù giá trị, làm mờ đi ranh giới của sự tồn tại vật lý và vật thể. Một vật cũng có thể được xem là hàng hóa dù không có đủ những yếu tố nêu trên.
Ví dụ: Cổ phiếu, quyền sở hữu, tiền, sức lao động…
2. Hai thuộc tính cơ bản của hàng hóa
Thuộc tính của hàng hóa là gì? Trên thực tế, bản chất của hàng hóa sẽ có sự thay đổi theo từng thời kỳ kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, mỗi một vật phẩm là hàng hóa thì đều sẽ có hai thuộc tính cơ bản: Giá trị sử dụng và giá trị hàng hóa.
2.1 Giá trị sử dụng
Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng, khả năng đáp ứng nhu cầu nhất định của người dùng. Ví dụ như cơm có giá trị sử dụng là để ăn; giá trị sử dụng của quần áo là để mặc; máy móc, nguyên vật liệu… dùng để sản xuất;…
Ngoài ra, mỗi một loại hàng hóa có thể có nhiều thuộc tính, tương ứng với đó là những công dụng và giá trị sử dụng khác nhau. Ví dụ: Gạo không chỉ có thể dùng để nấu cơm mà còn có thể nấu rượu, làm bánh, làm cồn y tế, làm bia…
Những công dụng này không được phát hiện cùng lúc mà dần dần được tìm ra theo sự phát triển của khoa học – kỹ thuật.
Giá trị sử dụng của mỗi loại hàng hóa sẽ được quyết định bởi thuộc tính tự nhiên của nó. Điều này cũng có nghĩa đây là một phạm trù mang tính vĩnh viễn.
Karl Marx cho rằng: Chỉ có ở trong sử dụng hoặc tiêu dùng thì các giá trị của hàng hóa mới được biểu hiện ta. Tức là, mỗi hàng hóa chỉ phát huy công dụng giá trị của mình khi được con người sử dụng, tiêu dùng. Đó là nội dung vật chất của của cải, bất kể ở trong hình thái xã hội nào.
Ở bất kỳ thời đại nào, con người cũng đều cần có các vật phẩm với các giá trị, công dụng khác nhau để làm thỏa mãn những nhu cầu của bản thân.
Một vật được xem là hàng hóa thì nhất định phải có ít nhất một hoặc nhiều công dụng. Tuy nhiên, không phải cứ vật gì hữu dụng cũng được gọi là hàng hóa.
Ví dụ như: Không khí có vai trò không thể thiếu cho sự sống của con người nhưng lại không phải hàng hóa. Hay nước sông, hoa quả dại cũng đều có giá trị sử dụng nhưng cũng không được coi là hàng hóa.
Như vậy, điều kiện để được coi là hàng hóa là gì chính là vật đó phải được sản xuất ra nhằm mục đích mua bán, trao đổi. Điều này đồng nghĩa với việc vật đó có giá trị trao đổi.
2.2 Giá trị hàng hóa
Theo Karl Marx: Giá trị trao đổi của hàng hóa đầu tiên biểu hiện thông qua một quan hệ số lượng, tỷ lệ để trao đổi giá trị sử dụng này với giá trị sử dụng khác.
Ví dụ: Để bạn có thể hiểu rõ hơn giá trị hàng hóa là gì, hãy theo dõi ví dụ dưới đây.
1 mét vải = 5kg thóc
Ở đây, vải và thóc là hai loại hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng hoàn toàn khác nhau nhưng lại có thể mang ra để trao đổi với nhau theo một tỷ lệ. Lúc này, chúng ta sẽ cần dựa theo một cơ sở chung. Điểm chung này không phải giá trị sử dụng mặc dù sự khác biệt này là điều kiện cần có để trao đổi.
Điểm chung này cần phải xuất hiện ở cả vải và thóc. Bỏ qua giá trị sản phẩm thì giữa vải và thóc đều có một điểm chung đó là chúng đều là sản phẩm của quá trình lao động.
Để làm ra được vải và thóc, người nông dân và người thợ đều cần hao phí sức lao động của họ. Việc hao phí lao động chính là cơ sở chung để so sánh hai hàng hóa và trao đổi chúng với nhau.
Cơ sở để xác định tỷ lệ trao đổi giữa hai loại hàng hóa là gì? Ở đây chúng ta có 1m vải đổi được 5kg thóc và ngược lại. Tỷ lệ trao đổi này được hình thành dựa trên sự đánh giá về hao phí lao động khi sản xuất ra hai loại hàng hóa này. Có nghĩa là lao động hao phí cần thiết để làm ra 1m vải tương đương với lao động hao phí để làm ra 5 kg thóc.
Như vậy, lao động hao phí để sản xuất ra hàng hóa chính là giá trị của hàng hóa hay giá trị của hàng hóa chính là kết tinh của lao động của người sản xuất.
Bản chất của giá trị chính là lao động. Cho nên, nếu loại hàng hóa nào không được làm ra từ hao phí lao động thì không có giá trị. Sản phẩm được làm ra bởi càng nhiều hao phí lao động thì càng có giá trị.
Giá trị là phạm trù mang tính lịch sử và gắn liền với sự ra đời, tồn tại của sản xuất hàng hóa. Giá trị là cơ sở, nội dung của trao đổi, ngược lại, trao đổi là hình thức để biểu hiện giá trị của hàng hóa. Nếu giá trị sử dụng biểu hiện thuộc tính tự nhiên thì giá trị hàng hóa chính là giá trị xã hội của nó.
3. Mối quan hệ giữa hai thuộc tính của hàng hóa
Hai thuộc tính cơ bản của hàng hóa vừa có quan hệ thống nhất lại vừa mâu thuẫn nhau.
3.1 Quan hệ thống nhất
Giá trị sử dụng và giá trị hàng hóa cùng tồn tại trong một sản phẩm. Nếu một vật chỉ có giá trị sử dụng mà không có giá trị hàng hóa thì không được coi là hàng hóa.
Ngược lại, nếu một vật có giá trị nhưng lại không có công dụng, không thể thỏa mãn nhu cầu của người dùng thì cũng không thể thành hàng hóa.
3.2 Quan hệ đối lập
Đầu tiên, xét về giá trị sử dụng thì các loại hàng hóa có sự khác nhau về chất. Ví dụ: Vải dùng để mặc, lúa gạo để ăn, sắt thép để xây dựng…
Ngược lại, xét về giá trị thì các loại hàng hóa lại có sự đồng nhất về chất. Chúng đều là sự kết tinh của hao phí lao động hay là sự vật hóa của lao động.
Tiếp theo, quá trình khám phá giá trị sử dụng và giá trị hàng hóa tách rời nhau cả về thời gian và không gian. Cụ thể:
– Giá trị được hiển thị trong khi lưu thông và diễn ra trước.
– Giá trị sử dụng diễn ra sau và hiển thị khi tiêu dùng.
Những người sản xuất ra sản phẩm quan tâm tới giá trị của hàng hóa nhưng để đạt được điều đó thì họ cũng cần để tâm đến công dụng. Ngược lại, điều mà người tiêu dùng quan tâm thường là công dụng, giá trị sử dụng của món hàng mình mua xem có thể đáp ứng được nhu cầu hay không.
Nhưng muốn được hưởng giá trị sử dụng của sản phẩm thì người tiêu dùng phải trả cho người sản xuất giá trị tương ứng. Giống như việc bạn muốn mua một chiếc ấm điện về đun nước thì bạn cần trả một số tiền tương ứng để mang sản phẩm này về.
Sự mâu thuẫn giữa hai thuộc tính này của hàng hóa là một trong những nguyên do chính dẫn đến các cuộc khủng hoảng thừa.
4. Những điều kiện để sản xuất hàng hóa ra đời và tồn tại cho đến ngày nay
Trước khi tìm hiểu về những điều kiện để ra đời sản xuất hàng hóa thì trước hết chúng ta cần hiểu sản xuất hàng hóa là gì?
Như đã nêu ở trên, hàng hóa là sản phẩm của quá trình lao động và chúng có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người và qua quá trình trao đổi, mua bán để đi vào sử dụng.
Sản xuất trong xã hội đã, đang trải qua hai hình thức tổ chức kinh tế là:
– Hình thức tự cung tự cấp: Sản phẩm được làm ra từ lao động với mục đích tự thỏa mãn nhu cầu của bản thân.
– Sản xuất hàng hóa: Sản phẩm được làm ra để trao đổi, mua bán.
Như vậy, sản xuất hàng hóa là làm ra các sản phẩm mà không phải phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người làm ra mà dùng để đáp ứng nhu cầu của người khác thông qua quá trình mua bán, trao đổi.
Tiếp theo là các điều kiện để sản xuất hàng hóa ra đời và duy trì cho đến ngày nay. Theo các tài liệu nghiên cứu, sản xuất hàng hóa chỉ có thể ra đời và duy trì khi có đủ cả hai điều kiện: Phân công lao động trong xã hội và tách biệt kinh tế giữa những người sản xuất.
4.1 Phân công lao động trong xã hội
Sự phân công lao động là một trong những điều kiện cần thiết cho sự hình thành sản xuất hàng hóa. Lao động trong xã hội được phân chia cho các ngành nghề khác nhau. Điều này sẽ tạo nên sự chuyên môn hóa của lao động và dẫn đến sự chuyên môn hóa trong sản xuất.
Việc phân công lao động trong xã hội sẽ dựa trên các yếu tố như: các lợi thế tự nhiên, năng khiếu, sở trường, kỹ thuật của từng lao động ở các vùng khác nhau; các đặc điểm về phong tục, ăn ở… của từng khu vực địa lý cụ thể.
Phân công lao động giúp cho việc trao đổi hàng hóa trở thành tất yếu bởi khi đó mỗi người, mỗi đơn vị sẽ chỉ tập trung sản xuất một hoặc vài sản phẩm nhất định nhưng nhu cầu của người tiêu dùng thì lại rất nhiều nên bắt buộc cần phải có sự trao đổi với nhau.
Mặt khác, sự phân công như vậy cũng góp phần thúc đẩy năng suất lao động nên sẽ có càng nhiều sản phẩm thặng dư để trao đổi.
Tuy việc phân công lao động trong xã hội là điều kiện quan trọng nhưng đây chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để ra đời và duy trì sản xuất hàng hóa. Chúng ta sẽ còn cần thêm điều kiện khác nữa.
4.2 Sự tách biệt kinh tế của những người sản xuất
Điều kiện tiếp theo mà chúng ta cần để xuất hiện và duy trì sản xuất hàng hóa là sự tách biệt mang tính tương đối về kinh tế của những người sản xuất.
Sự tách biệt kinh tế tương đối có nghĩa là những người sản xuất có thể tách biệt, độc lập với nhau. Từ đó, các sản phẩm mà họ làm ra sẽ chỉ thuộc về sở hữu của một mình họ và có thể tự do chi phối.
Nếu người đó muốn tiêu dùng hàng hóa do người khác làm ra thì cần phải tiến hành trao đổi, mua bán theo tỷ lệ nhất định. Sự tách biệt về kinh tế giữa những người sản xuất dựa trên ba cơ sở.
Trong lịch sử, điều này xuất hiện là do chế độ tư hữu vật tư sản xuất. Còn hiện nay, việc tách biệt kinh tế xảy ra do nhiều hình thức sở hữu tư liệu sản xuất khác nhau. Cùng với đó là tách biệt về quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với các tư liệu sản xuất.
Tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của cá nhân thì những sản phẩm được sản xuất ra cũng sẽ là của họ và họ có toàn quyền sử dụng.
Sự tách biệt này xảy ra là do các mối quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất khác nhau. Điều này bắt nguồn từ chế độ tư hữu nhỏ, xác định quyền sở hữu các sản phẩm làm ra từ lao động sẽ thuộc về người sở hữu tư liệu sản xuất.
Do đó, các mối quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất khác nhau tạo nên sự độc lập, đối lập giữa những người sản xuất với nhau. Tuy nhiên, họ vẫn nằm trong sự phân công lao động của xã hội nên lại có sự phụ thuộc về sản xuất, tiêu dùng.
Như vậy, nếu một người dùng muốn sử dụng sản phẩm của người khác thì cần thông qua mua – bán, tức là tiến hành trao đổi bằng hình thái hàng hóa.
Cơ sở thứ ba của sự tách biệt kinh tế này là do sự tách biệt giữa quyền sở hữu và sử dụng đối với tư liệu sản xuất. Tách biệt kinh tế không chỉ khác về quyền sở hữu mà còn khác cả về quyền sử dụng khối lượng tư liệu khác nhau ở cùng một chủ sở hữu.
Khi tách biệt kinh tế giữa những người sản xuất tồn tại cùng lúc với sự phân công lao động trong xã hội thì việc trao đổi hàng hóa sẽ cần đảm bảo lợi ích của họ. Điều này chỉ có thể làm được khi trao đổi tiến hành trên nguyên tắc ngang giá tức là hàng hóa, các sản phẩm của lao động sẽ trở thành hàng hóa.
Sự tách biệt kinh tế tương đối giữa người sản xuất với nhau khiến cho sản phẩm làm ra sẽ thuộc quyền sở hữu và chi phối của họ và vì thế họ cũng có thể mang sản phẩm đó đi bán.
Ngoài ra, sự tách biệt kinh tế này còn khiến cho mối quan hệ trao đổi của người sở hữu sẽ mang hình thái trao đổi, mua bán hàng hóa. Bởi sự tác biệt về kinh tế sẽ khiến những người sản xuất có được sự độc lập về lợi ích kinh tế với nhau.
Cho nên, các sản phẩm được sản xuất ra sẽ mang hình thức trao đổi dựa theo nguyên tắc ngang giá mới đạt được sự công bằng và đảm bảo được lợi ích của mỗi người.
Trên đây là hai điều kiện cần thiết để có thể ra đời và duy trì sản xuất hàng hóa cho tới ngày nay. Nếu như thiếu một trong hai điều kiện nêu trên thì sẽ không có sản xuất mà không có sản xuất thì cũng sẽ không có sự trao đổi.
Cho nên, sản xuất hàng hóa là một phạm trù mang tính lịch sử. Có nghĩa là nó sẽ tồn tại khi có đủ cả hai điều kiện trên và cũng chỉ mất đi khi một trong hai điều kiện nay mất đi.
Trên đây là một số thông tin về hàng hóa là gì, các thuộc tính cơ bản và những điều kiện để ra đời và duy trì sản xuất hàng hóa mà chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc.
Hy vọng nội dung bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về phạm trù kinh tế này. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.